Tinh thần phục vụ

j0433132Từ thời mới tin Chúa, tôi đã rất ấn tượng với câu chuyện sau.

Một người mơ thấy dưới âm phủ người ta ngồi chen chúc xung quanh một bàn tiệc rất ngon lành thịnh soạn, nhưng tay mỗi người đều bị buộc vào những chiếc thìa và nĩa dài cả mét. Người ta khổ sở vì vướng víu, cãi cọ tranh giành và đánh lộn nhau mà chẳng ăn được miếng nào.

Khi anh ta mơ thấy thiên đàng, lại cũng thấy một bàn tiệc đông đảo, và tay ai cũng cầm những thìa nĩa dài quá cỡ giống như vậy. Nhưng lạ thay đám đông trên đó rất vui vẻ mà thưởng thức đồ ăn, vừa ăn vừa cười nói cảm tạ Chúa. Lại gần, anh ta mới thấy điều khác biệt hẳn bản giữa bàn tiệc thiên đàng và địa ngục, thì ra là cứ hai người ngồi đối diện nhau thì người này lấy đồ ăn cho người kia. Họ phục vụ lẫn nhau.
Tinh thần phục vụ sẽ đảm bảo cho chúng ta đạt được thành công chung và thành công cá nhân, và mỗi người cùng được trưởng thành, lớn lên trong Chúa. Đây là một nguyên tắc chính trong nước của Đức Chúa Trời.

Tinh thần phục vụ nghĩa là biết nhạy cảm để ý đến nhu cầu của người khác, của tập thể, để mà đem sự đóng góp của mình ra bù đắp. Khác với tư tưởng ích kỷ chỉ co vào cho mình, người có tinh thần phục vụ sống với đức tin, để đem những tài năng của mình phục vụ cho lợi ích chung. Và cũng chính khi đó con người mới trở nên có ích và cần thiết với những người khác. Giá trị của con người ở chỗ anh ta đem lại sự phục vụ cho bao nhiêu con người.

Cần lưu ý rằng phục vụ không phải là làm cái gì mình thích làm, cũng không hẳn là làm những điều gì mà người khác thích (theo kiểu một người đầy tớ “chỉ đâu đánh đấy”), mà làm điều gì cần cho họ.

Tấm gương mà chúng ta thấy chính là Chúa Jê-sus – khi Ngài đến để chịu chết trên thập tự giá, Ngài đã giải quyết nan đề lớn nhất của loài người nói chung và của dân Y-sơ-ra-ên nói riêng – đó là nan đề tội lỗi, nhưng nhiều người Do-thái cùng thời đã không hiểu được Ngài. Họ người thì đòi phép lạ, người thì đòi Chúa phải lật đổ ách đô hộ của người La-mã để lên làm Vua tái lập lại vương quốc. Ngày hôm nay cũng vậy, quá nhiều người không hiểu được gốc rễ của nan đề (nhu cầu) của chính bản thân mình. Có phải vì vậy mà chúng ta đến các buổi nhóm của Hội thánh cầu nguyện, lắng nghe Lời Chúa và tìm kiếm sự chỉ dạy của Chúa cho đời sống mình không? Có phải vì thế mà Chúa hiện diện trong các buổi thờ phượng không – để phục vụ cho con cái Ngài cả những nhu cầu mà họ còn chưa ngờ tới nữa.

Chúa của chúng ta là vị Vua phục vụ.

jesus_washes_the_disciples_feetĐiều bất ngờ lớn nhất đối với các môn đồ của Chúa Jê-sus và cũng là bài học họ khó tiếp thu nhất, đấy là bài học về sự phục vụ. Vì chưa bao giờ hình ảnh của một vị vua oai phong quyền thế và hết mực cao trọng lại đi đôi với hình ảnh một con người nhu mì phục vụ. Nhưng Chúa Jê-sus đã nhiều lần nhấn mạnh một điều hoàn toàn ngược lại với cách nghĩ người đời:

Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người. (Mác 10:45)

Sức mạnh của sự phục vụ

Điều có vẻ ngược đời này lại là một nguyên tắc cực kỳ quan trọng có thể đem lại sự khác biệt, như thiên đàng với địa ngục trong câu chuyện của giấc mơ nói trên.

Khi nhìn vào thế giới hiện đại, có thể thấy rõ rằng người ta bây giờ đã học được những nguyên tắc phục vụ Chúa đã dạy này mà áp dụng vào xã hội. Tại những đất nước đó xã hội phát triển, chất lượng đời sống cao vì chất lượng phục vụ rất tốt.

Ở những đất nước đó quyền con người được tôn trọng, cảnh sát làm việc với tiêu chí là “để bảo vệ và phục vụ”. Còn điều gì xảy ra ở những đất nước khác, nơi mà cảnh sát có thái độ ngược lại, thì chắc các bạn đọc đều đã tự cảm nhận được.

Những nhà sản xuất tìm cách đem lại cho thế giới những dịch vụ và hàng hóa chất lượng tốt nhất (không chụp giựt và lừa lọc), không chỉ chạy theo thị hiếu hiện thời, mà còn nghiên cứu để đón trước những nhu cầu trong tương lai của văn minh nhân loại. Và không có gì ngạc nhiên là những nước như thế luôn đi trước một khoảng cách xa. Chính nguyên tắc phục vụ đã biến họ trở thành lãnh đạo.

PHỤC VỤ ĐEM LẠI ẢNH HƯỞNG

aservantheart-rNgười ta tình nguyện nghe theo những người phục vụ mình. Thí dụ, nếu có người tự dưng vô cớ sờ nắn đầu bạn, chắc phản ứng của bạn là rất khó chịu, nhưng khi đến tiệm cắt tóc, người ta không chỉ sờ nắn đầu, mà còn bẻ nó quay qua lại, mà bạn có thấy bực tức gì đâu – vì bạn biết họ đang phục vụ bạn. Còn kiểu lãnh đạo thao túng đời sống người khác, biến họ thành công cụ cho mục đích của mình, sẽ chẳng được thành công. Chúa Jê-sus đã đến không  phải để bắt người ta hầu hạ mình, nhưng Ngài đã giải cứu cho mỗi con người lại được tự do, để rồi họ tình nguyện đi theo Ngài và cùng Ngài phục vụ.

Trong công việc của mình, nếu bạn biết áp dụng, nguyên tắc phục vụ sẽ đem lại cho bạn ưu thế về lâu dài hơn hẳn. Nguyên tắc cơ-đốc này đã được phổ biến trong các sách giáo khoa về kinh doanh hiện đại – “nghiên cứu thị trường”, “khách hàng lúc nào cũng đúng” không? Tất nhiên, người đời có bóp méo chân lý này, nói quá lên thành “khách hàng là Thượng đế”, nhưng nói thế lại là quá khích và sẽ mất phước.

PHỤC VỤ LÀ GIÁ TRỊ THẬT

Phục vụ trong tổ chức công việc của một tập thể đôi lúc là một chi tiết nhìn qua tưởng chừng là quá nhỏ, nhưng là chi tiết quyết định. Nếu chọn chỗ làm việc, vấn đề không chỉ là hứa hẹn trả lương cao, mà còn cả điều kiện làm việc nữa. Những mặt hàng chất lượng, thậm chí được bán với giá cao hơn hẳn mà người ta vẫn thích mua, là vì mọi chi tiết, tính năng đều tính toán làm sao cho người xử dụng được hài lòng. Đấy chính là thành quả của tinh thần phục vụ từ người thiết kế, đến người quản lý và thao tác của nhân viên sản xuất.

Điều Chúa muốn ở trong Hội thánh, cũng là tinh thần phục vụ, thể hiện ra qua những lời cầu thay cho anh chị em được nhậm lời, những người cô đơn yếu đuối được chăm sóc, những người mang bệnh tật đau ốm được chữa lành, và những bài giảng, lời khuyên khiến cội rễ thuộc linh của những nan đề đó trong đời sống con người được giải quyết. Chính vì vậy mà mọi người đều cần gắn bó với Hội thánh là thân thể của Ngài, để được nhận sự chăm sóc và chính mình được phục vụ người khác, như thí dụ bàn tiệc nói trên. Chỉ khi đó chúng ta mới thấy mình có giá trị và mình là có ích cho mọi người.

Ê-phê-sô 4:16 “Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.”

PHỤC VỤ LÀ GIEO VÀ GẶT

Phục vụ cũng có nghĩa là gieo và gặt. Nguyên tắc này đảm bảo sự thành công trong đời sống. Gieo một hành động phục vụ để gặt lại một sự phục vụ từ người khác. Xử dụng mặt mạnh của mình để phục vụ cho nhu cầu người khác, để được người khác dùng ân tứ Chúa ban cho họ phục vụ lại cho mình.

Để làm điều đó phải có đức tin. Ban cho, mà không đòi hỏi. Giúp đỡ người này, nhưng Chúa sẽ cảm động người khác giúp lại mình. Gieo, và để cho hạt giống chết đi (tức là không giữ nó trong tầm kiểm soát của mình nữa), vì tin tưởng mình sẽ được Chúa ban cho mùa gặt.

PHỤC VỤ LÀ THÁI ĐỘ SỐNG

Bây giờ khi đọc lại Kinh thánh, chúng ta sẽ thấy những điều răn dạy chính là những chỉ dẫn để chúng ta biết phục vụ người khác trong đời sống và công việc – giữa chồng với vợ, cha mẹ với con cái, và trong tập thể cùng làm việc với nhau.

Giữa vợ chồng
Ê-phê-sô 5
22 Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng phục chồng mình như vâng phục Chúa, 23 vì chồng là đầu vợ, khác nào Ðấng Christ là đầu Hội thánh, Hội thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Cứu Chúa của Hội thánh. 24 Ấy vậy, như Hội thánh phục dưới Ðấng Christ, thì đờn bà cũng phải phục dưới quyền chồng mình trong mọi sự.
25 Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Ðấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh, 26 để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Ðạo làm cho Hội tinh sạch, 27 đặng tỏ ra hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài. 28 Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy.

Giữa cha mẹ và con cái
Ê-phê-sô 6
1 Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. 2 Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), 3 hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.
4 Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.

Giữa người làm công và làm chủ
Ê-phê-sô 6
5 Hỡi kẻ làm tôi tớ, hãy run sợ, lấy lòng thật thà mà vâng phục kẻ làm chủ mình theo phần xác, như vâng phục Ðấng Christ, 6 không phải vâng phục trước mặt người mà thôi, như các ngươi kiếm cách làm đẹp lòng người ta, nhưng phải như tôi tớ của Ðấng Christ, lấy lòng tốt làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời. 7 Hãy đem lòng yêu mến hầu việc chủ, cũng như hầu việc Chúa, chẳng phải như hầu việc người ta, 8 vì biết rằng bất luận tôi mọi hay tự chủ, mỗi người đều sẽ nhận lãnh của Chúa tùy việc lành mình đã làm.
9 Hỡi anh em là người làm chủ, hãy đối đãi kẻ tôi tớ mình đồng một thể ấy, đừng có ngăm dọa chúng nó, vì biết rằng mình với chúng nó đều có một chủ chung ở trên trời, và trước mặt Ngài chẳng có sự tây vị ai hết.

Và còn nhiều điều răn khác nữa...

PHỤC VỤ LÀ NGUYÊN TẮC HÀNG ĐẦU TRONG SỰ HẦU VIỆC CHÚA

Chúa dạy chúng ta hễ muốn làm lớn hãy làm đầy tớ, ai muốn làm đầu, hãy làm tôi mọi mọi người, trong nước của Đức Chúa Trời thì phục vụ mới là điều quan trọng nhất.

Mác đoạn 10
42 Nhưng Ðức Chúa Jêsus gọi họ mà phán rằng: Các ngươi biết những người được tôn làm đầu cai trị các dân ngoại, thì bắt dân phải phục mình, còn các quan lớn thì lấy quyền thế trị dân. 43 Song trong các ngươi không như vậy; trái lại hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ; 44 còn ai trong các ngươi muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi mọi mọi người. 45 Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người.

Ai muốn làm lớn – hãy làm đầy tớ. Ai muốn làm đầu – hãy làm tôi mọi mọi người.

Chúa Jê-sus không chỉ nói, mà chính Ngài cũng đã làm như vậy. Chúa tự coi mình là tôi tớ, vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời cho đến chết, để đem giải pháp hoàn hảo cho nhu cầu quan trọng nhất và khẩn thiết nhất của loài người là được cứu thoát khỏi tội lỗi và cái chết. Chính vì thế mà Ngài được Đức Chúa Trời đem lên rất cao, ban cho Ngài danh trên hết mọi danh. (Phi-líp 2:5-11) Ngài đã làm tôi mọi cho mọi người, nghĩa là phục vụ chính là nguyên tắc để được Đức Chúa Trời thăng tiến. Chúa Jê-sus là tấm gương tiêu chuẩn về Người lãnh đạo phục vụ.

Trước khi lên thập tự giá, Chúa còn dạy một bài học phục vụ quan trọng nữa, đó là Ngài làm công việc của một kẻ nô lệ, mà đi rửa chân cho các môn đồ. Để chúng ta học cách hạ mình rửa chân lẫn cho nhau. Nghĩa là hạ mình, lấy lòng nhu mì phục vụ lẫn nhau.

Vì chúng ta được kêu gọi bởi Vua Phục Vụ, thì chúng ta cũng cần phải học phục vụ lẫn nhau.
Nhưng cần phải nhận rõ rằng phục vụ không phải là chiều theo mọi tư dục của người khác, thậm chí mua rượu mua thuốc cho người nghiện vì đó là “nhu cầu” của họ, hoặc như Phi-e-rơ khi được Chúa rửa chân, đã đòi rửa luôn cả đầu nữa, khi đó Chúa đã phải nhắc ông. Người phục vụ chân thật thì nhìn thấy được cốt lõi thuộc linh trong nhu cầu của người anh chị em mình, và giúp đỡ hướng dẫn người ta được giải phóng.

Các sứ đồ và tôi tớ Chúa đều có một lòng phục vụ như vậy

PHỤC VỤ KHIẾN CHÚNG TA ĐƯỢC TÔN QUÍ

Phao-lô đã nói về tấm lòng bắt chước Chúa, tình nguyện hạ mình làm tôi tớ phục vụ mọi người bằng Tin lành của Chúa.

2 Cô 4:5 Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Ðức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Ðức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.

Không  phải chỉ có Phao-lô, các đồng sự của ông, những tôi tớ Chúa cũng đồng một lòng như vậy. Trong Cô-lô-se 4:12, có nhắc đến Ê-pháp-ra, tôi tớ của Ðức Chúa Jêsus Christ, “vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Ðức Chúa Trời”.

Họ hầu việc và bắt chước Chúa Jê-sus, và họ trông đợi phần thưởng từ chính Đức Chúa Trời, là sự tôn quí đến từ Ngài.

Giăng 12:26 “Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người”.

Người hầu việc Chúa sẽ được Chúa tôn quí, nghĩa là các nhu cầu đời sống sẽ được chu cấp chăm sóc, và chính đời sống tâm linh và tầm ảnh hưởng của con người đó cứ lan rộng mãi.

Trong thư Rô-ma 16 – Phao-lô đã dành cả một chương để gửi những lời chào thăm, nhắc đến công khó của những con người đã hết lòng phục vụ để giúp nhiều người khác, trong đó chính cả Phao-lô nữa. Thậm chí người chép bức thư giúp ông cũng đã được Chúa cho phép lưu lại tên vào sách phục vụ của Đức Chúa Trời. Ai phục vụ Chúa nhất định người đó sẽ không bị bỏ quên bao giờ.

1 Cô 15:58 Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng, chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.

Hãy nghĩ đến nhu cầu của Hội thánh, thí dụ như truyền giáo, chăm sóc, phát truyền đạo đơn, tuần tin, thông báo động viên nhau tham dự các hoạt động (đi nhóm Chủ nhật, và các lễ hội đức tin, nhóm tế bào, học lời Chúa, cầu nguyện...)

Hãy thay đổi cách nghĩ mình. Hạ mình xuống, tham gia phục vụ. Chính mình sẽ thay đổi nhanh chóng. Và sẽ được Đức Chúa Trời cất nhắc lên.

 

Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va 18/7/2010



© 1999-2017 Tinlanh.Ru