Tập đếm đến vô cùng

 

(Tìm hiểu những gì Kinh thánh dạy về Chúa Jê-sus là Đức Chúa Trời)

Bạn đã bao giờ thử đếm đến số vô cùng chưa? Vậy mà nghe nói có ai đó đã đếm được đến số vô cùng rồi đấy, thậm chí hai lần liền cơ?! Không sao chứ, nếu đó là nhân vật của những câu chuyện hài hước?!

Kể rằng, có lần một đầy tớ Chúa, nhà thần học lỗi lạc Augustino (*) đang đi dạo trên bờ biển và cố suy ngẫm để thấu hiểu được cặn kẽ về lẽ mầu nhiệm về Ba Ngôi Đức Chúa Trời. Ông bắt gặp một cậu bé đang chạy đi chạy lại, dùng một cái vỏ sò để múc nước biển mà đổ vào một cái hố nó đã đào trên cát. Augustino cúi xuống và hỏi: "Con ơi, con đang làm gì vậy?"

"Ông không thấy sao, tôi muốn múc hết nước biển đổ vào cái hố này!"

"Con ơi, không thể nào làm nổi điều này đâu?!"  - Augustino bật cười.

"Thế còn ông, sao có thể lấy trí khôn hạn hẹp của mình để thấu hiểu lẽ mầu nhiệm của Đức Chúa Trời???"

Và lập tức cậu bé biến mất, để Augustino ở lại, bàng hoàng với tâm trạng ăn năn...

Đừng cố hiểu bằng trí óc lẽ mầu nhiệm của đức tin.

Trái đất chỉ bé như hạt cát trong Ngân hà. Trong vũ trụ lại có hàng tỉ thiên hà như vậy. Các nghiên cứu khoa học nói rằng vũ trụ là vô tận, nhưng có giới hạn (biên giới). Vậy ngoài biên giới đó là gì? Đó là bí mật thuộc về Đấng Tạo hóa!

Là con người, với trí hiểu và ngôn ngữ vô cùng giới hạn, chưa hiểu hết nổi những bí mật của chính bản thân mình, nhỏ bé chỉ như một hạt cát trong vũ trụ, làm sao có thể mong dùng trí óc mình thấu hiểu được những bí mật mầu nhiệm về Đức Chúa Trời Cha, Con và Thánh Linh, Đấng Tạo dựng nên cả thế giới với muôn loài vạn vật sống trong đó?! Có lẽ, đếm đến số vô cùng còn dễ hơn...

Biết con người không thể với tới Ngài, Đức Chúa Trời đã đến với chúng ta để bày tỏ mình ra, trong hình thể Con người, giữa những sự giới hạn của loài người, nhưng với mục đích chính là để cho chúng ta có thể tin nhận Ngài và được cứu rỗi.

Giăng 3:13,15  13 Chưa hề có ai lên trời, trừ ra Ðấng từ trời xuống, ấy là Con người vốn ở trên trời... 15... hầu cho hễ ai tin đến Ngài đều được sự sống đời đời.

Lớn hơn khả năng HIỂU BIẾT của trí óc, chúng ta có khả năng TIN. Đặc biệt khi vấn đề liên quan đến những lẽ mầu nhiệm của đức tin, là thứ quen hành động trong thế giới tâm linh. "Bởi đức tin, chúng ta BIẾT" (Hê-bơ-rơ 11:3).

Đọc những điều Kinh thánh chép bày tỏ về Đức Chúa Trời, dùng những khái niệm của tư duy và ngôn ngữ hạn hẹp của con người, chúng ta không thể suy diễn lấy những khái niệm thuần túy của con người để áp đặt cho Đức Chúa Trời được. Đúng là con người giống Đức Chúa Trời, nhưng nói ngược lại rằng Đức Chúa Trời giống con người là không đúng.

Thời gian gần đây, có những tín hữu người Việt đã nảy sinh nghi ngờ về những lẽ mầu nhiệm nền tảng của đức tin cơ-đốc về Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Rõ ràng, Kinh thánh dạy là Đức Chúa Trời chỉ có một. Nhưng họ chỉ muốn dựa trên những câu Kinh thánh đó để suy diễn theo cách hiểu của con người, họ nói rằng vì Con (Chúa Jê-sus) không phải là Cha, thì kết luận rằng Chúa Jê-sus không phải là Đức Chúa Trời...

Nhưng Kinh thánh cũng rất nhiều lần nhiều nơi công bố rằng Chúa Jê-sus bình đẳng với Đức Chúa Trời, và thật sự Ngài chính là Đức Chúa Trời. Lẽ đạo mầu nhiệm của đức tin cơ-đốc BIẾT CHẮC Kinh thánh dạy rằng không phải là ba Đức Chúa Trời, mà là chỉ một Đức Chúa Trời, trong ba Đấng (thân vị) - Đức Chúa Trời Cha, Đức Chúa Trời Con (Chúa Jê-sus), và Đức Chúa Trời Thánh Linh.

Những "luồng gió" này không phải là mới, vì lịch sử niềm tin cơ-đốc đã chứng kiến nhiều trào lưu đạo lạc (**), tìm cách này cách khác để phủ nhận chân lý căn bản của đức tin - Chúa Jê-sus chính là Đức Chúa Trời. Mới nghe qua tưởng chừng chỉ đi lệch một chút, nhưng sai một ly đi một dặm, nếu tiếp tục sẽ đi quá xa Chân lý và Đấng Cứu Chuộc.

Chúng ta hãy cùng đọc những câu Kinh thánh khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, đúng theo nguyên tắc mà Kinh thánh đã dạy: không được lấy ý riêng của con người mà giải nghĩa Kinh thánh là Lời Chúa, nhu mì mở lòng lắng nghe để nhận sự bày tỏ về Đức Chúa Trời, Đấng siêu việt vô cùng. Chính Kinh thánh sẽ giải nghĩa cho Kinh thánh.

2 Phi-e-rơ 1:20-21 20 Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh Thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. 21 Vì chẳng hề có lời tiên tri nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là nhờ Ðức Thánh Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Ðức Chúa Trời.

Chỉ xin dừng lại để lưu ý, ngay trong câu 21 này, chúng ta đã thấy bằng chứng Kinh thánh xưng gọi Đức Thánh Linh là Đức Chúa Trời, nhưng chủ đề này sẽ dành cho một bài viết khác.

 Ngoi Loi la Duc Chua Troi

 

Những câu Kinh thánh nói rằng Chúa Cứu thế Jê-sus chính là Đức Chúa Trời

Ma-thi-ơ 1:23 Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Ðức Chúa Trời ở cùng chúng ta.

Ê-sai 9:6 Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Ðấng Lạ lùng, là Ðấng Mưu luận, là Ðức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Ðời đời, là Chúa Bình an.

 

Chúa Jê-sus là Cứu Chúa - chính là Đức Chúa Trời, và không có Cứu Chúa nào khác.

Lời tiên tri dưới đây trong sách Ê-sai đã báo trước để loài người được biết và tin khi Cứu Chúa sẽ đến - Đức Giê-hô-va phán rằng chính ta là Đấng ấy, chính Ta là Đức Giê-hô-va, ngoài Ta không có Cứu Chúa nào khác.

Ê-sai 43:10-12 10 Đức Giê-hô-va phán: “Các con là nhân chứng của Ta, Và là đầy tớ Ta đã chọn, Để các con được biết và tin Ta, Và hiểu rằng Ta là Đấng ấy. Chẳng có thần nào được tạo thành trước Ta, Và cũng chẳng có thần nào sau Ta nữa.
11 Ta, chính Ta là Đức Giê-hô-va, Ngoài Ta, không có Cứu Chúa nào khác.
12 Chính Ta đã rao truyền, đã cứu rỗi và đã chỉ bảo, Chẳng có thần lạ nào giữa các con.” Đức Giê-hô-va phán: “Các con là nhân chứng của Ta, Và Ta là Đức Chúa Trời..." (Bản Hiệu đính RVV11)

Và khi Chúa Jê-sus Christ sanh ra, các thiên sứ đã rao truyền Tin lành về Cứu Chúa (Chúa Cứu thế) đã giáng sanh:

Lu-ca 2:10-11 10 Thiên sứ bèn phán rằng: Ðừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; 11 ấy là hôm nay tại thành Ða-vít đã sanh cho các ngươi một Ðấng Cứu thế, là Christ, là Chúa.

Trong Tin lành mà các thiên sứ đã rao truyền khẳng định Đấng Cứu thế là Christ, cũng chính là Đức Chúa Trời (từ CHÚA trong tiếng Hy-lạp (kyrios) tương đương với danh xưng Đức Giê-hô-va trong tiếng Hê-bơ-rơ - thí dụ để tự kiểm chứng, hãy xem Thi thiên 110:1 thuộc Cựu Ước đã được trích dẫn nhiều lần trong Tân Ước tiếng Hy-lạp (Mat 22:44, Mác 12:36, Lu-ca 20:42, Công vụ 2:34...), hoặc Phục truyền 18:15 được trích ở Công vụ 3:22, từ "Đức Giê-hô-va" đã được dịch thành từ "CHÚA").

Trong thư 2 Phi-e-rơ, cũng khẳng định Cứu Chúa là Đức Chúa Jê-sus Christ. Xin mời đọc từ bản hiệu đính RVV11:

2 Phi-e-rơ 1:1-2  1 Si-môn Phi-e-rơ, đầy tớ và sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, kính gửi những người nhờ sự công chính của Đức Chúa Trời chúng ta và của Cứu Chúa Jêsus Christ, đã nhận lãnh cùng một đức tin quý giá như chúng tôi. 2 Cầu xin ân điển và bình an tràn đầy trên anh em nhờ sự nhận biết Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, Chúa chúng ta!

Xin lưu ý thêm cách nói bản Kinh thánh gốc tiếng Hy-lạp ở câu 1 khi dịch sang tiếng Việt đã bị thừa một từ "của". Thực tế cách nói theo bản gốc: "của Đức Chúa Trời chúng ta và Cứu Chúa Jêsus Christ" - vẫn thường được hiểu là đang nói về một Đức Chúa Trời và Cứu Chúa Jê-sus Christ. Cùng ý đó được nhắc lại trong câu 2.

 

Chúa Jê-sus là Đấng Cứu chuộc - chính là Đức Chúa Trời.

Ê-phê-sô 1:7 Ấy là trong Ðấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài,

Ê-sai 44:6 Ðức Giê-hô-va, là Vua và Ðấng Cứu chuộc của Y-sơ-ra-ên, là Ðức Giê-hô-va vạn quân, phán như vầy: Ta là đầu tiên và cuối cùng; ngoài ta không có Ðức Chúa Trời nào khác.

Và ở đây chúng ta cũng thấy - "Đấng đầu tiên và cuối cùng" là cách xưng gọi chỉ dành cho Đức Chúa Trời (Đấng đã tạo dựng nên cả không gian và thời gian). Và Chúa Jê-sus đã xưng gọi mình như vậy khi hiện ra với Giăng trong sách Khải huyền.

Khải huyền 1:17-18  17 Vừa thấy người, tôi ngã xuống chơn người như chết; nhưng người đặt tay hữu lên trên tôi, mà rằng: Ðừng sợ chi, ta là Ðấng trước hết và là Ðấng sau cùng, 18 là Ðấng Sống, ta đã chết, kìa nay ta sống đời đời, cầm chìa khóa của sự chết và âm phủ.

 

Chúa Jê-sus là Đấng Tạo hóa - chính là Đức Chúa Trời.

Kinh thánh khẳng định rằng Đức Chúa Trời đã một mình tạo dựng nên thế giới này.

Ê-sai 44:24 Ðức Giê-hô-va, là Ðấng Cứu chuộc ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, phán như vầy: Ta là Ðức Giê-hô-va, đã làm nên mọi vật, một mình ta đã giương các từng trời và trải đất, ai ở cùng ta?

Kinh thánh cũng khẳng định Chúa Jê-sus là Đấng Tạo hóa, chính là Đức Chúa Trời, như trong Giăng nói về Ngài như là [Ngôi] Lời đã đến thế gian.

Giăng 1:1-3,14 1 Ban đầu có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở cùng Ðức Chúa Trời, và Ngôi Lời là Ðức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Ðức Chúa Trời. 3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài...
14 Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.

Con một Đức Chúa Trời đã giáng sanh trong thân xác con người, đến thế gian mà chính Ngài đã tạo dựng nên, ở giữa những con người, mang đến cho chúng ta ân điển và chân lý của Đức Chúa Trời.

Cô-lô-se 1:15-17  15 Ấy chính Ngài là hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được, và Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên. Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. 17 Ngài có trước muôn vật, và muôn vật đứng vững trong Ngài.

Hãy xem, cả vũ trụ này đều bởi Con một Đức Chúa Trời - Chúa Jê-sus và vì Ngài mà đã được tạo dựng nên. Và cả vũ trụ vô tận này được dựng nên và đứng vững trong Ngài (câu 17). Nếu như bạn muốn nghi ngờ và tranh luận về Con Một Đức Chúa Trời, hãy cố đi đến tận cùng vũ trụ này rồi quay trở lại (đồng nghĩa với việc hai lần bạn đếm được đến số vô cùng), rồi chúng ta sẽ nói chuyện tiếp nhé :)! Nên nhớ là ngay cả khi đó bạn vẫn không thể thoát ra khỏi được biên giới của vũ trụ này đâu, vì nó vốn đang nằm trong Đức Chúa Jê-sus Christ là Đức Chúa Trời!

Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ

Và Kinh thánh cũng khẳng định - Đức Chúa Trời vốn ở trong Đấng Christ, là Đấng đã đến cứu chuộc chúng ta.

2 Cô-rinh-tô 5:19 Vì chưng Ðức Chúa Trời vốn ở trong Ðấng Christ, làm cho thế gian lại hòa với Ngài, chẳng kể tội lỗi cho loài người, và đã phó đạo giảng hòa cho chúng tôi.

Chúa Jê-sus, Con Một, Đấng Christ chính là hình ảnh Đức Chúa Trời bày tỏ ra trên đất, để con người có thể đến và tin nhận Ngài. Và cốt lõi nền tảng của đức tin cơ-đốc là ở chỗ mỗi chúng ta đã được cứu chuộc bởi huyết Đấng Christ.

Khải huyền 5:9 Chúng hát một bài ca mới rằng: Ngài đáng lấy quyển sách mà mở những ấn ra; vì Ngài đã chịu giết lấy huyết mình mà chuộc cho Ðức Chúa Trời những người thuộc về mọi chi phái, mọi tiếng, mọi dân tộc, mọi nước,

Nhưng Kinh thánh cũng khẳng định rằng huyết mà nhờ đó chúng ta được cứu chuộc chính là huyết của Đức Chúa Trời (Công vụ 20:28). Vì Đức Chúa Jê-sus Christ chính là Đức Chúa Trời!

Công vụ 20:28 Anh em hãy giữ lấy mình, mà luôn cả bầy mà Ðức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Ðức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.

Con bình đẳng với Cha, là Đức Chúa Trời duy nhất mà chúng ta thờ lạy

Kinh thánh cũng chỉ rõ - trong quan điểm thần học mà người Do-thái đã nhận thức được từ thời Cựu Ước, thì Con luôn bình đẳng với Cha. Chính vì thế mà họ đã muốn ném đá Chúa Jê-sus khi Ngài xưng là Con Đức Chúa Trời:

Giăng 5:17-18 17 Nhưng Ngài phán cùng họ rằng: Cha ta làm việc cho đến bây giờ, ta đây cũng làm việc như vậy. 18 Bởi cớ đó, dân Giu-đa càng kiếm cách nữa để giết Ngài, chẳng những vì Ngài phạm ngày Sa-bát thôi, mà lại vì Ngài gọi Ðức Chúa Trời là Thân phụ mình, làm ra mình bằng Ðức Chúa Trời.

Dù vậy, thời đó đã có những người Do-thái nhìn nhận ra và tin Chúa Jê-sus là Đức Chúa Trời, thí dụ như người mù được Chúa chữa cho sáng mắt. "Anh nói: “Thưa Chúa, tôi tin,” rồi thờ lạy Ngài"- (Giăng 9:38 RVV11). Tuyệt đối chỉ được thờ lạy một mình Đức Chúa Trời mà thôi - là điều quan trọng nhất trong mười điều răn mà bất cứ người Do-thái nào cũng đã thuộc lòng từ nhỏ. Chúa Jê-sus đã nhận sự thờ lạy của người mù đó, vì chính Ngài là Đức Chúa Trời.

Khi Đức Chúa Jê-sus Christ giáng sinh đến thế gian này, Ngài đã phải tự bỏ mình đi (bỏ lại hình Đức Chúa Trời vốn có, cả sự bình đẳng với Đức Chúa Trời), để mặc lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người.

Phi-líp 2:6-7 6 Ngài vốn có hình Ðức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Ðức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; 7 chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người;

Ai thấy Con là đã thấy Cha. Con với Cha cùng một bản thể.

Chẳng ai có thể thấy được Đức Chúa Trời. Nhưng Đức Chúa Trời đã có cách để bày tỏ mình ra cho nhân loại! Ngài đã sai Con một đến thế gian, bỏ lại hình Đức Chúa Trời để mà mặc lấy hình thể loài người.

Giăng 1:18 Chẳng hề ai thấy Ðức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Ðấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.

Từ "thấy" trong bản gốc Tân Ước tiếng Hy-lạp không nói ý thấy bằng mắt, mà "thấy bằng tâm", là nhận thức tâm linh. Như vậy, tất cả những gì tâm linh chúng ta có thể nhận biết (được bày tỏ) về Đức Chúa Trời là chỉ qua Đức Chúa Jê-sus mà thôi. "Ấy chính Ngài là hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được" - như trong Cô-lô-se 1:15 có chép. Và chính Chúa Jê-sus cũng khẳng định: "Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha" (Giăng 14:9)

"Con một ở trong lòng Cha", là có ý gì? Thứ nhất, rõ ràng Lời Chúa nhấn mạnh về sự hiệp nhất giữa Cha và Con. Thứ hai, từ gốc Hy-lạp được dịch sang tiếng Việt là "", thật sự không chỉ về nơi ở, mà chỉ về bản thể -  "Là Ai", cho nên nếu dịch đúng hơn sẽ phải là: "Con Một [Đấng] trong lòng Cha". Và điều thứ ba nữa cần nhấn mạnh, chữ "trong lòng" ở đây tuyệt nhiên không có ý nghĩa là đứa con trẻ ngồi trong lòng người cha, mà phải hiểu ý nghĩa giống như trong cách nói "sâu thẳm trong lòng đất".

"Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Ðức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài" - như có nói trong Hê-bơ-rơ 1:3.

Con Một cùng bản thể với Cha, từ trước đời đời vốn ở cùng Đức Chúa Trời, và cũng chính là Đức Chúa Trời! Thế nên Ngài mới có thể bày tỏ về Đức Chúa Trời Cha cho chúng ta được biết, tin và được cứu rỗi.

Điều mầu nhiệm vĩ đại của đức tin

Theo cách nói của Kinh thánh, Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra trong thân xác con người, để chúng ta có thể nhận biết Chúa và tin nhận Ngài.

1 Tim-mô-thê 3:16 Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Ðấng đã được tỏ ra trong xác thịt, Thì đã được Ðức Thánh Linh xưng là công bình, Ðược thiên sứ trông thấy, Ðược giảng ra cho dân ngoại, Ðược thiên hạ tin cậy, Ðược cất lên trong sự vinh hiển.

Luận về điều này, sứ-đồ Phao-lô đã nhấn mạnh - đây là điều mầu nhiệm vĩ đại. Điều mầu nhiệm của sự tin kính, chỉ có thể dùng đức tin tiếp nhận. Chính vì vậy mà có một số người gặp rắc rối khi cố dùng trí óc mình để suy diễn về lẽ đạo mầu nhiệm này.

Đức Chúa Trời đã được bày tỏ ra trong xác thịt, để thiên hạ tin cậy, và ai tin Ngài sẽ được sự sống đời đời. Đức Chúa Trời đã đến Cứu chuộc loài người, và đó là Tin lành đang được rao giảng cho muôn dân. Và cũng chỉ nhờ đức tin nơi Đức Chúa Jê-sus mà chúng ta được cứu rỗi.

Đức Chúa Trời có một. Nhưng Đức Chúa Trời không giống như loài người đâu. Đức Chúa Trời duy nhất, được Kinh thánh bày tỏ ra ba thân vị Cha, Con và Thánh Linh, đã tạo dựng nên thế gian này, cũng là Cứu Chúa, Đấng Cứu chuộc đã đổ huyết mình vì tội chúng ta. Ngày hôm nay, Ngài đang ở cùng và hành động trong đời sống mỗi người đã tin nhận Chúa Jê-sus, dẫn chúng ta theo đúng Con đường Chân lý để về được với Cha nhận sự sống đời đời.

Kinh thánh đã bày tỏ như thế nào, thì chúng ta phải lấy đức tin mà tiếp nhận như vậy, đừng cố lấy trí óc xác thịt để suy diễn lẽ mầu nhiệm thiêng liêng của đức tin. Bạn hãy khiêm nhường cầu nguyện với Đức Chúa Trời ngay lúc này, nhờ Thánh Linh bày tỏ cho tâm linh bạn nhận biết được những sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, là những điều mà trí óc xác thịt sẽ cho là sự rồ dại và không thể hiểu được (xem thêm 1 Cô-rinh-tô 2:10-16).

Cha và Con (với Thánh Linh) là một Đức Chúa Trời

Nếu bạn vẫn còn bị rối trí bởi những lý luận của ai đó muốn phân biệt Cha với Con (muốn hạ thấp Con khi phủ nhận Con không là Đức Chúa Trời), xin đọc tiếp những câu Kinh thánh sau đây, để thấy Lời Chúa dạy chúng ta phải tôn kính Con bình đẳng với Cha, vì Con cũng chính là Đức Chúa Trời:

Giăng 5:23 đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Ðấng đã sai Con đến.

Và đây là lời chính Chúa Jê-sus đã tuyên bố:

Giăng 10:30 Ta với Cha là một.

Từ tiếng Hy-lạp được Chúa Jê-sus chọn dùng để nói ở đây, là monos, chỉ có đúng mỗi nghĩa là số một, duy nhất! Có một Đức Chúa Trời! Cha, và Con (Chúa Jê-sus) với Đức Thánh Linh là một Đức Chúa Trời!

Cuối cùng, khi mọi bóng tối của sự nghi ngờ và vô tín sẽ được ánh sáng của Lời Chúa xua tan đi, mong rằng bạn sẽ tuyên xưng như Thô-ma khi đã tận mắt thấy Đấng sống lại. Vì Chúa Jê-sus chính là Đức Chúa Trời, cho nên Ngài đã tiếp nhận lời tuyên xưng đó của Thô-ma mà không hề chỉnh lại.

Giăng 20:28-29 28 Thô-ma thưa rằng: Lạy Chúa tôi và Ðức Chúa Trời tôi!
29 Ðức Chúa Jêsus phán: Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy!

Phước cho bạn và tôi, vì chúng ta TIN.

Chẳng cần phải mắt thấy, chẳng cần phải đếm được đến số vô cùng... lòng tôi vẫn TIN CHÚA!!!

Chúa Jê-sus là Chúa tôi, là Đấng Cứu chuộc tôi, và là Đức Chúa Trời tôi!!!

Amen!

MS Trần Quốc Hùng

Những hạt giống đức tin.

Hội thánh Tin lành Moscow. Tinlanh.Ru

Xin lưu ý: khi các bạn chia sẻ và sao chép, nhớ giữ nguyên tên tác giả và xuất xứ (bản quyền) bài viết, cảm ơn các bạn về sự thông công trong tình yêu của Đấng Christ! 

 

=====

 

BONUS: Phần tài liệu nghiên cứu dành cho những ai muốn tìm hiểu hơn về lẽ đạo mầu nhiệm này.

Lẽ mầu nhiệm về Đức Chúa Trời, CÓ MỘT và thật.

Xuyên suốt từ đầu cho đến cuối Kinh thánh, chúng ta thấy sự mặc khải lớn dần, khi CHÚA bày tỏ về mình dần dần thêm lên cho con người. CHÚA bày tỏ cho Áp-ra-ham rằng Ngài là Đấng Toàn năng (STK 17:1), CHÚA bày tỏ thêm cho Môi-se rằng Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng hữu (Xuất 3:14). Và dân sự Y-sơ-ra-ên nhận được lời răn dạy, cũng là sự bày tỏ về Đức Chúa Trời như sau:

Phục truyền 6:4 Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một [không hai].

Khi Chúa Jê-sus đến trên đất, Ngài trích dẫn lại câu này:

Mác 12:29 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Nầy là điều đầu nhứt: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Ðức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một.

Có duy nhất một Đức Chúa Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng Cứu chuộc, là Đấng đang hiện diện và hành động từ trước vô cùng cho đến đời đời, cả trong đời sống chúng ta ngày hôm nay.

Nhưng ngay trong chương đầu tiên của sách Sáng thế ký, chúng ta đã đọc thấy Đức Chúa Trời, Lời Đức Chúa Trời, và Thần Linh Đức Chúa Trời cùng làm việc trong công cuộc sáng tạo thế giới. Và thật kỳ lạ, khi Kinh thánh kể về Đức Chúa Trời lúc chuẩn bị tạo dựng nên loài người, chúng ta đọc thấy cách dùng từ đặc biệt: Chúng ta.

Sáng thế ký 1:26 Ðức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

Rồi khi đọc đến câu chuyện con người phạm tội đã nếm trái cấm, chúng ta gặp lại cách dùng từ đặc biệt này nữa về Đức Chúa Trời:

Sáng thế ký 1:22 Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay khiến cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.

Càng nghiên cứu tìm hiểu kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy thực tế là Kinh thánh đã luôn ngầm có ý về Đức Chúa Trời có một là ba thân vị hiệp một. Chính điều đặc biệt này ẩn giấu trong ngôn ngữ Do-thái, với hai từ khác nhau để cùng chỉ về ý nghĩa "có một". Đó là yachid - một, số một, có một, duy nhất, và e-had - một, có một, hiệp một, thống nhất, cũng ý là một nhưng ở thể phức hợp. (Cảm tạ Chúa, trong tiếng Nga cũng có hai từ giống như vậy là один và един, cho nên chúng tôi không gặp khó khăn gì nhiều trong việc nhận thức lẽ đạo mầu nhiệm này, - thí dụ này chắc nhiều người biết: Đảng "Nước Nga Thống nhất" tiếng Nga là "ЕдинаяРоссия").

Trong Phục truyền 6:4 "Hỡi Y-sơ-ra-ên! hãy nghe: Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một" thì dùng chính từ e-had (có một nhưng ở thể phức hợp). Để thấy rõ hơn, có thể xem thêm những trường hợp khác mà từ e-had này được xử dụng trong Kinh thánh bản tiếng Việt 1934, trong một vài thí dụ dưới đây đều có ý hiệp trong một:

Tụ lại một nơi (STK 1:9), cả hai sẽ trở nên một thịt (STK 2:24), cả hai đứa trong một ngày (STK 27:45), thành ra một dân mà thôi (STK 34:16), cùng trong một đêm (STK 40:5), cùng một đêm kia (STK 41:11), chúng đồng thanh (cùng một tiếng nói) đáp rằng (Xuất 24:3), rồi hiệp cái bong lại, để nó thành ra một (Xuất 26:11)...

Còn trong tiếng Hy-lạp gốc dùng để ghi ra Tân Ước, cũng có hai từ tương đương là monos - số một, có một, duy nhất, và heis - có một, hiệp một, thống nhất.

Và trong Mác 12:29 chúng ta lại gặp từ heis - có một, hiệp một, “một” với nghĩa phức hợp.

Mác 12:29 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Nầy là điều đầu nhứt: Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe, Chúa, Ðức Chúa Trời chúng ta, là Chúa có một (heis).

Nhưng, như trên đã nói, trong đoạn Kinh thánh khác, khi Chúa Jê-sus khẳng định: "Ta với Cha là một" (Gi 10:30), thì Ngài chủ định dùng chữ monos, duy nhất, chỉ có một Đức Chúa Trời! Cũng vậy, trong lời cầu nguyện đêm cuối cùng, Chúa nhấn mạnh, chỉ có duy nhất một Đức Chúa Trời:

Giăng 17:3 Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Ðức Chúa Trời có một (monos) và thật, cùng Jêsus Christ, là Ðấng Cha đã sai đến.

Và rõ ràng chúng ta chỉ có thể nhận biết Đức Chúa Trời để được sự sống đời đời qua nhận biết Đức Chúa Jê-sus Christ.

Giăng 14:6-9 6 Vậy Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha. 7 Ví bằng các ngươi biết ta, thì cũng biết Cha ta; và từ bây giờ các ngươi biết và đã thấy Ngài. 8 Phi-líp thưa rằng: Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi. 9 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha. Sao ngươi lại nói rằng: Xin chỉ Cha cho chúng tôi?

Bạn chỉ có thể thật sự biết ai mà bạn đã thấy, đã gặp. Các môn đồ được biết và thấy Chúa Jê-sus, tức là đã biết và thấy Cha, vì đã biết và thấy chính Đức Chúa Trời, có một, chân thật, họ đã tin nhận Ngài và có sự sống đời đời.

Lẽ mầu nhiệm về Đấng trung bảo cho Giao Ước mới

Và bây giờ sự sống đời đời của chúng ta - những người tin nhận Chúa Jê-sus đã được đảm bảo bằng Giao Ước Mới, đóng ấn bằng chính huyết Con Trời. Trong Kinh Thánh Tân Ước có 6 lần dùng chữ người trung bảo, để chỉ về Đấng trung gian giữa Đức Chúa Trời và loài người. Ba lần trong sách Hê-bơ-rơ đều nói về Đức Chúa Jê-sus Christ (8:6 - vì Ngài là Ðấng trung bảo của giao ước tốt hơn; 9:15 - Ngài là Ðấng trung bảo của giao ước mới, 12:24 - gần Ðức Chúa Jêsus, là Ðấng trung bảo của giao ước mới).

Một lần nữa, từ Đấng trung bảo cũng nói về Đức Chúa Jê-sus Christ, được dùng để chỉ ra Ngài chính là Con Người, để đảm bảo cho phía con người sự cứu rỗi, như trong câu Kinh thánh mà sứ-đồ Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê đã nhấn mạnh chân lý này:

1 Ti-mô-thê 2:5 Vì chỉ có một (heis) Ðức Chúa Trời, và chỉ có một (heis) Ðấng Trung bảo ở giữa Ðức Chúa Trời và loài người, tức là Ðức Chúa Jêsus Christ, là người;

Còn về phía Đức Chúa Trời thì sao? Chẳng lẽ chỉ Đấng trung bảo chỉ đảm bảo về một bên con người thôi hay sao? Tuyệt vời thay, chính Đức Chúa Jê-sus Christ là Đức Chúa Trời, đảm bảo cho chúng ta về phía Đức Chúa Trời. Trong thân thể hữu hình của Ngài là tất cả sự đầy dẫy của Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 1:19) và đầy trọn cả thần tính Đức Chúa Trời (Cô-lô-se 2:9). Đừng để những suy luận của đời và người gieo nghi ngờ cho chúng ta về điều này.

Cô-lô-se 2:8-9 8 Hãy thận trọng, đừng để ai gài bẫy anh em bằng triết học và lời giả dối rỗng tuếch theo truyền thống của loài người, theo các thần linh của thế gian, mà không theo Đấng Christ. 9 Vì sự đầy trọn của thần tính hiện diện trong thân thể hữu hình của Ngài. (Bản hiệu đính RVV11)

Hai lần còn lại trong Ga-la-ti 3, từ Đấng Trung bảo được sứ đồ Phao-lô dùng khi nhắc đến luật pháp cho dân Y-sơ-ra-ên đã được chính tay Đấng trung bảo ban cho họ như thế nào. (Theo ý riêng của tôi suy diễn, đó có thể là Đức Chúa Trời Con đã ngự xuống trên đỉnh núi Si-nai, dùng chính tay mình viết điều răn trên bảng đá mà ban luật pháp cho Môi-se). Và câu 20 khẳng định - Đấng trung bảo đó không phải ai khác mà chính là Đức Chúa Trời.

Ga-la-ti 3:19b-20  19b luật pháp được ban ra bởi mấy thiên sứ và truyền ra bởi [tay] một người trung bảo. 20 Vả, người trung bảo chẳng phải là người trung bảo về một bề mà thôi, nhưng Ðức Chúa Trời chỉ có một (heis).

Đức Chúa Trời Con đã phải giáng sinh làm người, để hy sinh, đổ máu cứu chuộc cho loài người, đã sống lại và hiện nay là Đấng trung bảo giữa chúng ta với Đức Chúa Trời, đảm bảo cho mỗi ai đã thật sự tin nhận Ngài được sự sống đời đời.

 (Theo cách nói riêng của tôi, Chúa Jê-sus Christ là Đức Chúa Trời 100% và cũng là con người 100%, mới có thể là Đấng trung gian hoàn hảo cho sự cứu rỗi của chúng ta)

Bạn thấy đấy, lẽ đạo này vô cùng mầu nhiệm và quan trọng. Chỉ sai đi một ly, người ta có thể trệch đích đời đời.

 

Lẽ mầu nhiệm: ngày nào Cha đã sanh Con?

Tôi muốn thêm ý này, để ý thấy một số người đang bị đi lệch khi nghi ngờ Đức Chúa Jê-sus là Đức Chúa Trời, vì họ chưa hiểu rõ thế nào là "Cha đã sanh Con" trong cách nói của Kinh thánh. Thí dụ câu này:

Hê-bơ-rơ 5:5 Cũng một thể ấy, Ðấng Christ không tự tôn mình làm thầy tế lễ thượng phẩm; như tại Ðấng đã phán cùng Ngài rằng: Ngươi là Con ta, Ta đã sanh ngươi ngày nay.

Đừng hiểu theo cách thô thiển của con người rằng, từ "ngày nay" trong câu trên là chỉ về ngày Con Trời giáng sanh. Ngày đó theo cách con người thì là ngày Ma-ri đã sinh Chúa Cứu thế trong thân xác con người, nhưng không phải là ngày Cha đã sanh Con.

Kinh thánh bày tỏ rằng Đức Chúa Con - Đức Chúa Jê-sus đã có từ trước vô cùng (Mi-ca 5:2, 2 Tim 1:9). Từ trước vô cùng là cách nói để mô tả trước khi thời gian bắt đầu. Ngôn ngữ loài người không thể mô tả khi còn chưa có thời gian, nhưng khoa học hiện đại đã biết rằng thời gian và không gian thật ra là không thể tách rời, phải hiểu như hệ không-thời gian bốn chiều liên tục. Nếu chưa có tạo vật, chưa có vũ trụ, thì cũng chưa có thời gian. Nhưng đã có Đức Chúa Con rồi, sinh ra trước khi sáng thế, có trước mọi tạo vật, và Ngài sáng tạo ra mọi tạo vật.

Cô-lô-se 1:15 Ấy chính Ngài là hình ảnh của Ðức Chúa Trời không thấy được, và Ðấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên.

Chúa Jê-sus đã khẳng định ý này, nói rằng khi chưa có Áp-ra-ham, Ta đã tự hữu ("đã có ta" là cách dịch tiếng Việt của cụm từ mà trong ngôn ngữ người Do-thái chỉ dùng nói về Đức Chúa Trời: "Ta có" - khi CHÚA bày tỏ về Ngài cho Môi-se trong Xuất 3:14. (I Am trong tiếng Anh, ЯЕсмьtrong tiếng Nga). Chính vì nghe thấy thế mà người Do-thái muốn ném đá vì cho rằng Ngài phạm thượng.

Giăng 8:58 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, trước khi chưa có Áp-ra-ham, đã có ta. 59 Bấy giờ chúng lấy đá đặng quăng vào Ngài;

Đấng Christ khi đến thế gian, là mặc lấy thân thể con người:

Hê-bơ-rơ 10:5 Bởi vậy cho nên, Ðấng Christ khi vào thế gian, phán rằng: Chúa chẳng muốn hy sinh, cũng chẳng muốn lễ vật, Nhưng Chúa đã sắm sửa một thân thể cho tôi.

Vậy thì thực tế, lời Chúa trong Thi thiên 2:7 "ngày nay ta đã sanh Con" là chỉ về sự kiện nào, nếu không phải là sự kiện Giáng sinh. Hãy xem Kinh thánh bày tỏ:

Công vụ 13:33 rằng Ðức Chúa Trời bởi khiến Ðức Chúa Jêsus sống lại thì đã làm ứng nghiệm lời hứa đó cho chúng ta là con cháu của tổ phụ, y như đã chép trong sách Thi Thiên đoạn thứ hai rằng: Con là Con trai ta, ngày nay ta đã sanh Con.

Đó là chỉ về sự kiện Chúa Jê-sus sống lại từ cõi chết. Ý này được chứng minh bằng những đoạn Kinh thánh khác nữa.

Cô-lô-se 1:18 Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội thánh. Ngài là ban đầu sanh trước nhứt từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng.

Khải huyền 1:5 lại từ nơi Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng làm chứng thành tín, sanh đầu nhứt từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian!

Chúa Jê-sus là Con đầu lòng, Con cả, sinh ra đầu tiên từ trong kẻ chết. Đấng Christ là trái đầu mùa, rồi tới ngày Chúa đến, thì sẽ đến thứ tự của chúng ta, những kẻ thuộc về Ngài, sẽ sống lại và được đón về ở với Chúa đời đời!

1 Cô-rinh-tô 15:20-23

20 Nhưng bây giờ, Ðấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ. 21 Vả, vì chưng bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại của những kẻ chết. 22 Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Ðấng Christ mọi người đều sẽ sống lại,

23 nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Ðấng Christ là trái đầu mùa; rồi tới ngày Ðấng Christ đến, những kẻ thuộc về Ngài sẽ sống lại

Thật tuyệt vời! Đó là niềm tin và sự phó thác của mỗi chúng ta! Được đảm bảo bởi chính Con Trời đã giáng sinh thành người, Đấng Cứu chuộc tôi và Đức Chúa Trời tôi - Đức Chúa Jê-sus Christ! Amen!

Xin Chúa gìn giữ mỗi chúng ta trong ân điển Ngài!

=====

Ghi chú:

 (*) - Augustinô thành Hippo (13/11/354 - 28/8/430) - nhà thần học cơ-đốc và triết học đã có đóng góp rất lớn trong việc lập nền tảng và phát triển cơ-đốc giáo phương Tây. Ông được Giáo hội Công giáo phong Thánh và công nhận là Tiến sĩ Hội Thánh. Trong cộng đồng Tin lành (Protestant), nhiều người xem nền thần học Augustinô là một trong những nhân tố khởi nguyên của hệ tư tưởng lập nền cho cuộc Cải cách Tin lành, đặc biệt là trong giáo lý cứu rỗi và ân điển.

(**) - Lịch sử niềm tin cơ-đốc có chép về những người đã vấp ngã, khi muốn lấy đầu óc mà chiêm nghiệm những điều mầu nhiệm của đức tin. Cuối thế kỷ thứ ba, đầu thế kỷ thứ tư, đã có trào lưu Arian (theo tên vị trưởng lão cầm đầu là Arius vùng Alexandria), họ tìm cách phủ nhận thần tính của Chúa Jê-sus và sự bình đẳng của Ngài với Đức Chúa Trời Cha, chế nhạo những ai tin Đức Chúa Trời có một trong ba thân vị. Nó đã gây xáo động đức tin cho nhiều Hội thánh, và đã chính thức bị đoán xét sau khi chứng minh là tà giáo trong đại hội đồng Ni-cây (năm 325). Cũng từ đại hội đồng Ni-cây đó mà chúng ta có bản tín điều các sứ-đồ, truyền lại cho đến bây giờ. Chuyện tưởng xưa mà vẫn còn tính thời sự, vì vẫn còn những người bị "lạc theo chiều gió" ngày hôm nay. Có thể bạn sẽ thấy một chi tiết này là "đáng quan tâm", khi lịch sử cơ-đốc giáo kể lại nguyên nhân mà đã khiến nhiều người chưa vững đức tin bị lôi cuốn theo vị trưởng lão này. Arius có tài hát hay và đã cùng với những người ủng hộ mình sáng tác ra nhiều bài hát "thánh ca" để lan truyền các tư tưởng lệch lạc của họ. Nhiều tín đồ cơ-đốc đã bị lôi cuốn bởi giai điệu những bài hát đó và đã bị nhiễm độc cách không ngờ. Nhưng, lịch sử cũng chép lại kết cục bị thảm lạ thường bất ngờ xảy ra với Arius, vào năm 336...

- Những từ ở trong ngoặc vuông kép "[...]" có thể đã được thêm vào cho hợp cách nói trong tiếng Việt

- Các câu Kinh thánh trích dẫn lấy từ bản truyền thống 1934, trừ những trường hợp có ghi chú lấy từ bản Hiệu đính RVV11.

Moscow. 01-2016.



© 1999-2017 Tinlanh.Ru