Vui mừng trong nghịch cảnh

vui mung trong nghich canh

Bạn thân mến,

Khi trong tâm hồn vẫn còn dư âm sứ điệp về thập tự giá ngày Phục sinh, chúng ta muốn suy ngẫm tiếp về những khổ nạn mà Chúa Jê-sus đã nếm trải.

Ê-sai 53:3-5 3 Người đã bị người ta khinh dể và chán bỏ, từng trải sự buồn bực, biết sự đau ốm, bị khinh như kẻ mà người ta che mặt chẳng thèm xem; chúng ta cũng chẳng coi người ra gì. 4 Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Ðức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. 5 Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.

Nếu như Chúa Jê-sus đã không chịu đựng mọi sự sỉ nhục, hành hạ, đau đớn trên thập tự giá, thì ngày hôm nay chúng ta không thể có sự cứu rỗi. Hơn nữa, nếu không nhìn thấy cái giá lớn lao đã được trả cho sự cứu chuộc linh hồn mình, chúng ta có thể sẽ không biết kính sợ Chúa, không biết coi là quý giá và gìn giữ món quà sự cứu rỗi và sự sống đời đời đã nhận trong danh Chúa Jê-sus.

Người thời đó không nhận ra Đấng Christ trong hình hài một người bình thường - Jê-sus người Na-xa-rét. Thậm chí họ còn khinh thường Ngài. Trong những tháng ngày trên đất, Chúa cũng đã nếm trải mọi sự buồn khổ mà loài người chúng ta phải chịu. Khi Kinh thánh chép rằng Jê-sus là một người từng trải cuộc đời, biết đủ sự buồn bực đau ốm, thì bạn sẽ hình dung khuôn mặt Ngài ra sao? Một người từng trải phải có khuôn mặt sầu não, đầy nếp nhăn, và khó đăm đăm với người xung quanh chứ nhỉ? Nhưng không, tất cả các tranh vẽ về Chúa đều mô tả Ngài thật hiền hòa, tươi tỉnh, đầy lòng cảm thông, cởi mở tiếp đón mọi người đến với Ngài... vì các họa sĩ đã hình dung Ngài thật như vậy, khi đọc những lời ôn hòa, nhân hậu, và sự thương xót của Chúa trong Kinh thánh.

Những sự buồn bực, đau khổ và hoạn nạn đã không để lại được bất kỳ một dấu ấn đen tối nào trong tấm lòng của Ngài. Bị khinh dể, bị cười nhạo, bị chống đối, cuối cùng bị bắt bớ, đánh đập, hành hạ, và giết đi... nhưng Chúa Jê-sus vẫn phục vụ, vẫn thương xót và cầu nguyện cho mọi người, vẫn luôn là hiện thân của tình yêu thương của Cha thiên thượng.

Đó có phải là Đấng Yêu thương mà chúng ta đã tin và tôn thờ? Nhưng có phải là cũng chính bản tính yêu thương thiên thượng đó đã được Đức Thánh Linh dùng để tái tạo tâm linh của mỗi chúng ta? Đó có phải là tấm gương để chúng ta rèn tập và noi theo?

Đôi lúc, chúng ta nhìn lên Chúa và những sứ-đồ đã hy sinh cả đời mình để hầu việc Chúa và truyền rao chân lý Tin lành mà cứu giúp nhiều người, lòng thấy vô cùng cảm phục, nhưng trong đầu thì nghĩ rằng đấy là những người thật được ơn đặc biệt, là siêu nhân, và mình không có phận giống như họ. Ai mà có thể vui khi hoạn nạn, ai mà có thể vẫn yêu thương khi bị khinh dể chống đối, ai mà có thể vẫn rao giảng Tin lành khi bị vu khống và bắt bớ, ai mà có thể vẫn quên mình hầu việc khi thiếu thốn mọi bề?

Đọc những lời tâm tình của sứ-đồ Phao-lô khi hầu việc Chúa, ta sẽ tự nhủ làm sao có thể được tấm lòng như ông?

2 Cô-rinh-tô 6:4-10
4 Nhưng chúng tôi làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Ðức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, 5 đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn;
6 bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhơn từ, bởi Ðức Thánh Linh, bởi lòng yêu thương thật tình,
7 bởi lời chơn thật, bởi quyền phép Ðức Chúa Trời, cầm những khí giới công bình ở tay hữu và tay tả;
8 dầu vinh dầu nhục, dầu mang tiếng xấu, dầu được tiếng tốt;
9 ngó như kẻ phỉnh dỗ, nhưng là kẻ thật thà; ngó như kẻ xa lạ, nhưng là kẻ quen biết lắm; ngó như gần chết, mà nay vẫn sống; ngó như bị sửa phạt, mà không đến chịu giết;
10 ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có, ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!

Những tâm tình này không hề có ý khoe mình như một siêu nhân, vì chính Phao-lô đã nhiều lần thừa nhận xác thịt của ông là yếu đuối và bị cám dỗ thường xuyên như thế nào. Nhưng những lời này khích lệ cho chúng ta thấy, một con người yếu đuối có thể rèn tập được cho linh hồn mình trở nên bản lãnh, yêu thương và đáng quí như thế nào.

Ngày hôm nay, thật cần có thêm nhiều nữa những người cơ-đốc nhân noi theo sự cảm động của tình yêu thương Đấng Christ ở trong lòng mình, và quyết biến đổi mình bởi tình yêu thương đó. Ngày hôm nay Hội thánh thật cần có thêm nhiều nữa những người hầu việc Chúa với bản lĩnh yêu thương, nhịn nhục, và sẵn sàng chịu mọi khó khăn, khinh rẻ, điều tiếng, để vui lòng gánh vác công việc của Đức Chúa Trời.

Mỗi con cái Chúa đều được kêu gọi để trở nên giống Chúa Jê-sus và hầu việc Đức Chúa Trời, dù vậy, không phải ai cũng sẽ là mục sư, giáo sư, hay là nhà truyền giảng. Bạn có thể là người nhịn nhục, tử tế, quan tâm, trung thực, khi là nhân viên bán hàng, khi là người lái xe, là thợ may, hoặc là kỹ sư trong nhà máy. Cả thế giới này sẽ thấy sự sáng của Chúa, vị mặn của tình yêu Ngài phản chiếu qua đời sống chúng ta, nếu mỗi người làm công việc mình với ý thức và tư cách của người hầu việc Chúa chân chính.

Muốn rèn tập được linh hồn mình, để thành một người nghị lực hơn, bản lĩnh hơn, vững vàng trong tình yêu thương hơn, thì có một phương thuốc hữu hiệu.

Đó là những hoạn nạn mà vẫn xảy ra trong đời này. Đó là những nghịch cảnh, những điều tồi tệ và bất công xảy đến. Chúng chính là thử thách đức tin để rèn luyện cho linh hồn bạn, thêm nhịn nhục, thêm yêu thương, thêm tốt lành trong tính cách. Trong mọi sự đó, chúng ta không phải đối diện một mình, mà Chúa đã hứa rằng nhất định sẽ có quyền năng cứu giúp của Ngài!

Giăng 16:33 Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!

Sự đau khổ và hoạn nạn không phải là ý định ban đầu của CHÚA, nhưng nó là hậu quả không thể tránh được của tội lỗi loài người đã và đang làm ra trên đất này. Có người này đau khổ do tội của chính mình, cũng có người kia phải hoạn nạn đau đớn vì tội lỗi của người khác, ở khắp mọi nơi trong xã hội, gia đình, trong Hội thánh của Đức Chúa Trời nữa.

Nhưng vấn đề là cách bạn sẽ đối diện với thử thách và phản ứng như thế nào...

Bạn sẽ nối tiếp cái vòng quay của tội lỗi, để cho điều ô uế và điều dữ cuốn mình đi, và lấy điều ác để đáp trả lại điều ác, hay là bạn sẽ có đủ sức mạnh tâm linh để chặn tội lỗi đó lại... Bạn sẽ nhịn nhục và chịu đựng mọi sự tấn công và áp lực của điều dữ xung quanh, mà vẫn tiếp tục hiền hòa, bao dung, nghiêm trang chống cự tội lỗi, mà đầy lòng thương xót những tội nhân đã thật sự ăn năn.

Gia-cơ 1:2-4;13-15 2 Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, 3 vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục. 4 Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.

Không ai thích phải sa vào cám dỗ hoặc thử thách, nhưng khi điều đó xảy đến, hãy nhớ rằng đây là cơ hội để Chúa giúp chúng ta sửa đổi mình, từ bỏ được tư dục và thói quen tội lỗi, để trưởng thành lên, nhịn nhục hơn, chịu đựng hơn, mạnh mẽ hơn, trọn lành hơn.

Có nhiều người gặp chút khó khăn thì bỏ, gặp điều không như ý thì buồn bực, không được khen thì tự ái, phải nghe sửa trị thì chống đối. Đấy là họ đang bộc lộ ra những gì trong lòng họ.

Cơ-đốc nhân cũng vậy, cùng thuộc Kinh thánh, cùng cầu nguyện, cùng vui với nhau, nhưng quan trọng là khi có sức ép, người đó sẽ cư xử như thế nào. Cùng nghe một lời vô tình ai đó nói, cùng thấy một điều trái nghịch ý mình, người này sẽ nổi giận và tự ái, người kia sẽ xem là nhỏ mà bỏ đi để giữ sự hiệp một trong nhà Chúa. Cùng một cuộc sống phải luôn cố gắng để làm việc và lo việc gia đình, nhưng người này thì cố thu xếp đến Hội thánh và hầu việc Chúa để gây dựng cho chính tâm linh mình, người kia thì bao giờ cũng có đủ lý do này khác. Không có thử thách, không thể biết điều gì trong lòng mình, để thấy mình thật thiếu mà cần chạy đến với Chúa ăn năn để được đổ đầy sức mạnh và sự yêu thương thật của Thánh Linh Ngài.

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:16-18 Hãy vui mừng mãi mãi, cầu nguyện không thôi; hãy cảm tạ Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với anh em trong Đấng Christ Jêsus. (RVV11)

Chính khi nào hiểu được điều này, bạn sẽ được sự giải phóng thật sự cho tâm hồn. Bạn sẽ vẫn cứ có được lòng bình an, tìm được vui mừng và cầu nguyện được trong mọi nghịch cảnh. Vì biết rằng mọi sự hiệp lại sẽ có ích cho những ai yêu mến Đức Chúa Trời, và người đó sẽ được rèn tập mà trưởng thành lên! Và trong thử thách đức tin, chúng ta sẽ lại được chứng kiến quyền năng vinh hiển của Chúa hành động để giúp đỡ bất cứ ai giữ lòng trung tín trọn thành với Ngài!

Tôi muốn chia sẻ lại những câu nói lời hay ý đẹp sau đây, sẽ giúp chúng ta hiểu được, nhiều khi là tốt cho chúng ta khi cầu xin mà không được theo ý mình.

Tôi Cầu Xin
Có một lần tôi cầu xin Chúa cất đi sự kiêu ngạo của tôi, và Ngài đáp “không”.
Ngài nói rằng sự kiêu ngạo không thể cất đi được, chỉ có thể từ bỏ nó. (Kiêu ngạo là thái độ mà người đó lựa chọn, Chúa phán dạy: đừng kiêu ngạo, Chúa cất ơn đi khỏi kẻ đó để ban cho người khiêm nhường, nhưng phải là chính người đó hiểu ra và từ bỏ sự kiêu ngạo trong lòng mình đi thì mới được.)
Tôi còn cầu xin để Chúa giải thoát tôi khỏi mọi cám dỗ, và Chúa đáp “không”.
Ngài nói rằng sự thử thách sinh ra lòng nhịn nhục. Mà nhịn nhục thì không thể cho được, chỉ có thể sanh nó ra mà thôi. (Nhịn nhục là một phẩm chất quí giá, là thứ xa xỉ hiếm có đối với những người xác thịt, nhưng là vị ngọt của tính cách con người tâm linh đã trưởng thành. Linh hồn chúng ta được trau dồi ra đẹp đẽ, là khi đối diện với mọi thử thách, hoạn nạn, đau đớn, mà linh hồn đó chỉ sản sinh ra những sự im lặng, kiên nhẫn, nín chịu, để tiếp tục làm điều lành, lấy điều lành mà thắng điều ác.)
Tôi còn xin Chúa ban cho tôi hạnh phúc, và Chúa cũng đáp “không”.
Ngài nói rằng Ngài chỉ ban phước lành, mà tôi có hạnh phúc hay không điều đó là phụ thuộc vào tôi. (Người nào quý trọng và biết ơn Chúa, thì sẽ luôn hạnh phúc ngay cả với những gì mình có. Vì Kinh thánh dạy rằng sự tin kính cùng với sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn (1 Tim 6:6).)
Tôi cầu xin để Chúa gìn giữ tôi khỏi mọi sự đau đớn, và Chúa đáp “không”...
Ngài nói rằng sự khổ đau giúp con người ra khỏi những lo lắng và thú vui đời này và đưa họ đến gần Ngài hơn. (“Trước khi chưa bị hoạn nạn, thì tôi lầm lạc; Nhưng bây giờ tôi gìn giữ lời Chúa” (Thi 119:67). Chẳng phải vậy sao?)
Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi sự tăng trưởng tâm linh, nhưng Chúa đáp “không”.
Ngài nói rằng tâm linh phải tự mình lớn lên, còn Ngài sẽ chỉ tỉa sửa cho tôi như tỉa sửa cây nho khỏi những nhánh lá thừa, để tôi đem lại nhiều bông trái hơn. (Chúa Jê-sus phán rằng chúng ta được tỉa sạch nhờ Lời Ngài đã phán dạy (Giăng 15:3). Còn ai không chịu tỉa sửa, thì sẽ chẳng bao giờ thay đổi mà nên tốt lành hơn được. Đó là quy luật bất biến muôn đời.)
Tôi cầu xin sức lực, và Chúa cho tôi gặp thử thách, để rèn luyện tôi.
Tôi cầu xin sự khôn ngoan, và Chúa cho tôi các câu hỏi, để dạy tôi biết suy nghĩ.
Tôi cầu xin sự dũng cảm, và Chúa cho tôi gặp nguy hiểm.
Tôi cầu xin tình yêu thương, và Chúa đưa đến với tôi những người cần được tôi giúp.
Tôi cầu xin tiền, và Chúa cho tôi cơ hội làm việc để kiếm tiền.
Tôi không nhận được những điều tôi xin,
Nhưng tôi nhận được tất cả những gì tôi cần
Chúa đã nhậm lời cầu xin của tôi như vậy đấy.

Và một câu nói này nữa. Có hai kiểu người mà Chúa đưa đến trong đời sống chúng ta. Người này làm cho ta hạnh phúc. Còn người kia là để rèn tính cách ta được mạnh lên. Bạn có quyền lựa chọn, bạn sẽ là kiểu người nào. Để trở thành người đem lại hạnh phúc, chính mình hãy là người hạnh phúc, biết tìm được niềm vui và hy vọng trong mọi nghịch cảnh của đời này, bằng cách làm theo lời Chúa dạy:

Rô-ma 12:12 Hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện.

Amen!

MS Trần Quốc Hùng.

Hội thánh Tin lành Moskva. 04/2016
Tinlanh.Ru. Những hạt giống đức tin.

Video bài giảng trên Youtube:

===

Xin lưu ý: khi các bạn chia sẻ và sao chép, nhớ giữ nguyên tên tác giả và xuất xứ (bản quyền) bài viết, cảm ơn các bạn về sự thông công trong tình yêu của Đấng Christ!



Hôm nay238
Hôm qua491
Tuần này2677
Tháng này8825
Total4874465

© 1999-2017 Tinlanh.Ru