Sứ đồ yêu thương

         22688395_1902209293126570_1075121880088572142_n.jpg

        Sứ-đồ Giăng, (tiếng Do-thái là Yohanan, tiếng Hy-lạp là Ioannes) một trong mười hai môn đồ của Chúa Jê-sus, còn được gọi là sứ đồ yêu thương. Vì có những lý do của nó...
       Giăng cùng với anh mình là Gia-cơ, đã cùng được Chúa Jê-sus kêu gọi trong số mười hai sứ đồ đầu tiên. Trong Tin lành theo Mác, bao giờ tên của Giăng cũng đứng sau tên Gia-cơ, nhờ đó mà chúng ta biết Giăng là em. Hai người là con của Xê-bê-đê, và mẹ là Sa-lô-me, gia đình họ đến từ làng đánh cá bên bờ biển hồ Ga-li-lê. Mác có chép rằng họ là chủ thuyền và có người làm thuê, vậy họ là gia đình khá giả.
        Khi Chúa Jê-sus chọn gọi mười hai sứ đồ, Ngài đã đặt tên cho hai anh em là Bô-a-nẹt - nghĩa là con trai của sấm sét (Mác 3:17). Điều này liên tưởng tới tính khí nóng nảy của hai người. Thí dụ, Giăng và Gia-cơ đã có lần đòi xin lửa từ trời giáng xuống những người Sa-ma-ri không chịu theo đạo (Mác 9:38)...

         Một chi tiết khác nữa cũng được nhiều người nhớ, đó là có lần mẹ của Giăng và Gia-cơ đã đến xin với Chúa Jê- sus (Ma-thi-ơ 20:20-24), để xin cho hai con mình được những vị trí quan trọng - ngồi bên hữu và bên tả Chúa Jê-sus trong vương quốc của Ngài. 

         Chúng ta sẽ tìm hiểu xem, để từ một con người nóng nảy, theo Chúa với tính toán tư lợi, đã trở thành một sứ đồ yêu thương và khiêm nhường, trụ cột của Hội thánh, Giăng đã phải trải qua những thử thách nào, phải lớn lên trong nhận thức tâm linh để biến đổi con người mình ra sao...

           Còn Sa-lô-mê, mẹ của Giăng và Gia-cơ, đi theo Chúa cũng đã được thay đổi rất nhiều, bỏ được tư tưởng xác thịt,mà trung tín theo hầu việc Chúa chođến cùng. Bà chính là một trong những người phụ nữ (cùng với Ma-ri mẹ Chúa Jê-sus) đã đứng dưới chân thập tự giá (Mác 15:40; Ma-thi-ơ 27:56). Bà cũng là một trong ba người phụ nữ cùng tên là Ma-ri, sáng sớm đến hầm mộ Chúa để tẩm liệm xác, và đã gặp thiên sứ báo tin rằng Chúa đã sống lại (Mác 16:1). Một số tài liệu cho rằng Sa-lô-me là người chị em họ với bà Ma-ri mẹ của Chúa Jê-sus. Như vậy thì dễ hiểu hơn về những đòi hỏi ban đầu của bà cho hai con mình,và cũng vì sao Chúa Jê-sus khi treo trên thập tự giá, đã giao cho Giăng tiếp đón và nuôi dưỡng bà Ma-ri như chính mẹ của mình.

        Trong Kinh thánh không hiếm những trường hợp Đức Chúa Trời kêu gọi không chỉ một người mà cả gia đình để hầu việc Ngài. Chúng ta đều biết Ma-ri được ơn Chúa chọn không phải tình cờ, mà cũng vì có đức tin được nuôi dưỡng từ bé trong gia đình có truyền thống tin kính. Rất có thể Giăng và Gia-cơ cũng được lớn lên trong gia đình tin kính như vậy.

          Từ khi được kêu gọi và đi theo Chúa Jê-sus trong số mười hai sứ-đồ, dần dần Giăng đã chứng tỏ lòng trung tín hầu việc thầy mình, và đạt được sự trưởng thành tâm linh nhanh chóng. Ông cùng với Gia-cơ và Phi-e-rơ là ba môn đồ thân tín, mạnh mẽ đức tin, thường được Chúa Jê-sus chọn cho đi cùng trong những sự kiện đặc biệt. Họ được cùng Chúa Jê-sus lên núi hóa hình, đến nhà Gia-ru chữa lành cho con gái ông ta sống lại, và cũng là ba người gần với Chúa Jê-sus hơn cả trong những giờ cầu nguyện và chiến đấu tại vườn Gết-sê-ma-nê đêm trước khi lên thập tự giá.
         Trong Kinh thánh, Giăng được gọi là “môn đồ được Chúa yêu”, ông thường luôn được ở gần Chúa Jê-sus, trong Tiệc thánh chính ông là người đã nghiêng mình trên ngực Đức Chúa Jê-sus mà hỏi về ai là kẻ sẽ phản Ngài... (Gi 21:20) Đó là lý do đầu tiên, vì sao chúng ta biết đến ông như “sứ đồ yêu thương”... Lý do khác lớn hơn, đó là trong sách Phúc m mà Giăng viết ra, cũng như trong các thư tín, ông nói rất nhiều đến tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Ông viết về các sự bày tỏ của tình yêu thương mà Chúa Jê-sus đã dành cho chúng ta, là agape - tình yêu thương đặc biệt của giao ước, tình yêu“mặc dầu” (*). Ông cũng nhấn mạnh về điều răn mới mà Chúa truyền dạy, cũng là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau bằng tình yêu thương của Chúa.
         Gọi là tình yêu “mặc dầu”, để tương  phản với loại tình yêu “Nếu”, và tình yêu “Vì”. Tình yêu “Nếu” (nếu con ngoan, nghe lời thì bố sẽ yêu con, nếu anh tặng quà giá trị cho em thì em sẽ yêu anh), và “Vì” (vì anh tốt với tôi, vì anh giàu có, đẹp trai...) là tình cảm của con người, thường đòi hỏi người kia phải xứng đáng và đáp ứng đủ điều kiện theo ý mình. Còn tình yêu “mặc dầu” là loại tình yêu đặc biệt, không đòi hỏi, không vì ràng buộc, yêu cả những người xấu xí, nghèo khó, lầm lỗi, không xứng đáng nhất. Mặc dầu anh thế nào tôi vẫn cứ yêu anh.

          Đó là tình yêu ban cho mà không đòi lại, chờ đợi mà không nản lòng, quyết liệt và không bỏ cuộc, cao thượng và không chấp nhặt, vững bền hơn cả thời gian, chịu áp lực, chịu hy sinh, chịu chống đối, chịu hiểu lầm, không thỏa hiệp, để tìm mọi cách giúp cho người mình yêu được tốt lên...
          Mỗi chúng ta đều khao khát được một tình yêu “mặc dầu” như vậy..., nhưng đối với người thường thì đó là điều không tưởng. Tình yêu “mặc dầu” này chính là tình yêu thiên thượng, chúng ta có thể tìm thấy khi đến với Chúa Jê-sus, cội nguồn vô tận của tình yêu thương. Và thật tuyệt vời, khi chúng ta mở lòng đón Chúa Jê-sus vào tể trị và để Chúa tuôn đổ ngập tràn trong lòng mình tình yêu “mặc dầu” của Ngài, thì chúng ta cũng có thể chia sẻ ban phát lại phần nào chính tình yêu thương đó...
          Chính là trong các sứ điệp của Giăng, chúng ta nhận được sự bày tỏ thật sâu sắc về tình yêu thương “mặc dầu” của Đức Chúa Trời, đã dành cho nhân loại ngay cả khi chúng ta còn chưa biết đến Chúa và chưa sống đẹp lòng Ngài. Về sự yêu thương đến nỗi hy sinh quên mình của Con Trời, phó sự sống mình làm sinh tế chuộc tội cho những kẻ tội nhân. Giăng 3:16 Vì Đức Chúa Trời yêu- thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời.

          1 Giăng 4:10 Nầy, sự yêu-thương ở tại đây: ấy chẳng phải chúng ta đã yêu Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã yêu chúng ta, và sai Con Ngài làm của-lễ chuộc tội chúng ta.
            Cũng qua thư của Giăng, chúng ta nhận được bày tỏ lớn lao - Đức Chúa Trời là tình yêu thương.
          1 Giăng 4:16 Chúng ta đã biết và tin sự yêu-thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu- thương, ai ở trong sự yêu-thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy. 

            Và Lời Chúa Jê-sus phán dạy được Giăng chép lại, cũng bày tỏ cho chúng ta về cách nào mỗi con người đều có thể đến tiếp nhận và ở trong tình yêu thương mặc dầu của Đức Chúa Trời.

           Giăng 15:9-10 9 Như Cha đã yêu- thương ta thể nào, ta cũng yêu-thương các ngươi thể ấy; hãy cứ ở trong sự yêu-thương của ta. 10 Nếu các ngươi vâng- giữ các điều-răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu-thương ta, cũng như chính ta đã vâng-giữ các điều-răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu-thương Ngài.

           Đó là chúng ta phải tin và tiếp nhận Chúa Jê-sus, tiếp nhận tình yêu thương của Đức Chúa Trời vào tể trị đời sống mình. Chúng ta phải đáp lại và chứng tỏ lòng mình yêu Chúa bằng cách vâng giữ điều răn Chúa dạy, bằng cách đó mà giữ mình ở mãi trong sự yêu thương của Ngài.
           Giăng 14:23 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu-mến ta, thì vâng-giữ lời ta, Cha ta sẽ thương-yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người. Sống theo chân lý của lời Chúa, đó là cách duy nhất để yêu thương bằng tình yêu thương thật của Đức Chúa Trời. Song song với các sứ điệp về tình yêu thương, Giăng cũng là sứ đồ công bố nhiều nhất (chỉ sau Chúa Jê-sus) về lẽ thật (chân lý), khẳng định đó phải là lối sống của một người tin kính Chúa chân chính.

           3 Giăng 1:4 Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui- mừng hơn nữa.

           Tình yêu thương chân chính thì hiệp cùng lẽ thật (1 Giăng 1:3, Ê-phê-sô 4:15; 2 Tê-sa 2:10). Giăng, sứ đồ yêu thương, cũng chính là người lên án mạnh mẽ nhất những kẻ giả dối nói là yêu Chúa mà không giữ theo điều răn Ngài dạy.
           1 Giăng 2:4 Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều-răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. 

            Trong các thư tín dành cho người tin Chúa, sứ đồ Giăng cũng nhắc đi nhắc lại về điều răn mới mà Chúa Jê-sus truyền dạy, cũng là chúng ta phải yêu thương lẫn nhau bằng tình yêu thương củaChúa.
            Giăng 13:34 Ta ban cho các ngươi một điều-răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy.

            1 Giăng 3:11,14 11 Vả, lời rao- truyền mà các con đã nghe từ lúc ban đầu, ấy là chúng ta phải yêu-thương lẫn nhau... 14 Chúng ta biết rằng mình đãvượt khỏi sự chết qua sự sống, vì chúng ta yêu anh em mình. Còn ai chẳng yêu thì ở trong sự chết.

             Chính trong sách Phúc m (Tin lành) theo Giăng, chúng ta được biết thêm nhiều hơn về những lời dạy của Chúa Jê-sus, mà các sách Phúc m khác không nói đến. Tin lành theo Giăng được đánh giá là có những sự bày tỏ thuộc linh sâu nhiệm nhất, qua đó chúng ta nhận biết rõ ràng hơn về Thần tính của Chúa Jê-sus - Con Một của Đức Chúa Trời, về Ngôi Lời là Đức Chúa Trời, đã thành người, đến với chúng ta, đầy ơn và lẽ thật.

                Giăng 1:1-4,14 

            1 Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là Đức Chúa Trời. 2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời. 3 Muôn-vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài. 4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người...

            14 Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha.
            Ngoài sách Phúc Âm theo Giăng, ông còn là tác giả của ba thư tín nhỏ nữa, đặc biệt là sách Khải huyền ghi lại những sự bày tỏ mầu nhiệm mà ông đã nhận từ chính Chúa Jê-sus để nói tiên tri về tương lai của nhân loại cho đến tận ngày phán xét cuối cùng. Có lẽ vì lý do đó mà trong số 12 sứ đồ của Chúa Jê-sus, thì Giăng là người duy nhất không bị giết chết như một người tử vì đạo, mà còn sống đến tận cuối đời.
            Như vậy, sứ-đồ Giăng đã được Chúa giao trọng trách rất lớn trong việc lập nền cho Hội thánh và đức tin cơ-đốc. Với cả trải nghiệm tâm linh giàu có của một môn đồ từng sống cùng và được lắng nghe rờ chạm chính Chúa Jê-sus, cộng với kinh nghiệm nhiều năm sau đó đồng đi với Đức Thánh Linh mà hầu việc Đức Chúa Trời, ông đã thật sự trưởng lão về tâm linh, một người khổng lồ trong tâm linh, và anh hùng đức tin.
            Nhưng đừng tưởng lầm rằng ông không hề chịu bắt bớ và ngược đãi vì Tin lành về Cứu Chúa Jê-sus mà ông rao giảng. Lịch sử Hội thánh chép rằng Giăng đã từng bị vua La-mã truyền lệnh bắt giữ và xử tử bằng cách bỏ vào vạc dầu sôi, nhưng phép lạ Chúa đã xảy ra gìn giữ cho ông không hề hấn gì. Không giết được ông, chúng đã đưa ông đi đày ở đảo Bạt-mô, là nơi ông sẽ lại được gặp Chúa Jê-sus trong sự hiện thấy, để chép lại tiên tri trong sách Khải huyền.
            Giăng đã được Chúa yêu, vì ông tin nhận tình yêu thương từ Đức Chúa Trời, nhờ đó được biến đổi trở nên một sứ đồ yêu thương, sứ đồ truyền rao tình yêu thương và lẽ thật của Chúa Jê-sus. Bạn cũng có thể đến với Chúa Jê-sus và tiếp nhận Chúa yêu thương đến với lòng mình, để tình yêu “mặc dầu”, tình yêu agape đổ đầy tràn lòng bạn. Và khi chúng ta yêu Chúa, lắng nghe và làm theo chân lý Lời Ngài phán dạy, thì sự hiện diện của quyền năng yêu thương Chúa sẽ luôn ở cùng, ngày càng biến đổi con người chúng ta cũng trở thành một môn đồ yêu thương nữa của Chúa Jê-sus trên đất này.
          Amen! MS Quốc Hùng



© 1999-2017 Tinlanh.Ru